Breaking News

Đau dạ dày là bệnh gì?

Đau dạ dày là cách nói dân dã để chỉ bệnh lý viêm loét dạ dày. Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là một căn bệnh rất phổ biến ở nước ta. Đây là một căn bệnh mãn tính, thỉnh thoảng có những đợt viêm cấp trong đó triệu chứng điển hình là đau dạ dày.

Đau dạ dày là căn bệnh phổ biến
Đau dạ dày là căn bệnh phổ biến

1. Nguyên nhân gây đau dạ dày

Đau dạ dày là triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng. Ở đây chúng ta thống nhất bàn về nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Nói tới "bệnh đau dạ dày" thì ngầm hiểu là bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.
Nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi và còn nhiều điều chưa thực sự sáng tỏ. Tuy nhiên có thể kể tới các nguyên nhân chính sau đây.

1.1. Đau dạ dày do thói quen ăn uống

Ăn uống không theo bữa, không có giờ giấc nhất định khiến hệ thống tiêu hóa không thiết lập được nhịp sinh học thuận lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Điều này khiến cho các bộ phận tiêu hóa, trong đó có dạ dày bị mệt mỏi. Quá trình này lâu dài dẫn tới đau dạ dày.

Thói quen uống nhiều bia rượu gây đau dạ dày
Thói quen uống nhiều bia rượu gây đau dạ dày

Sở thích ăn uống cũng là nguyên nhân gây đau dạ dày. Những người sử dụng nhiều đồ ăn, thức uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê có nguy cơ mắc đau dạ dày cao hơn rõ rệt so với người khác. Caffein trong cà phê làm giảm nhu động ruột, tăng tiết dịch vị khiến người uống (nhất là uống khi đói) cảm thấy cồn cào, dùng lâu dễ gây viêm loét dạ dày. Bia rượu và các đồ uống có cồn gây kích thích mạnh niêm mạc đường tiêu hóa và làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Bia rượu là nguyên nhân của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa trong đó có đau dạ dày.

1.2. Đau dạ dày do hút thuốc

Thuốc lá, thuốc lào chứa nicotin là chất gây kích thích hệ Nicotinic của thần kinh giao cảm. Hút thuốc gây nhiều tác hại trong đó có làm tăng nhu động đường tiêu hóa, tăng tiết dịch vị. Điều này gây ảnh hưởng niêm mạc dạ dày, có thể gây viêm loét dạ dày, tá tràng, đau dạ dày.

1.3. Đau dạ dày do stress, căng thẳng thần kinh.

Stress, căng thẳng thần kinh gây tăng tiết acid HCl đồng thời làm giảm tiết dịch bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trong cuộc sống hiện đại, Stress, căng thẳng thần kinh ngày càng phổ biến và được thống kê là nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày hàng đầu.
Ở những người có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng, đợt cấp của bệnh gây đau dạ dày thường rơi vào thời điểm người đó đang bị stress, căng thẳng thần kinh.

1.4. Đau dạ dày do vi khuẩn

Vi khuẩn H.pylori (HP) là vi khuẩn duy nhất sống trong dạ dày. Không phải ai nhiễm HP cũng bị viêm loét dạ dày tá tràng nhưng sự có mặt của HP là nguyên nhân gây bệnh khi kết hợp với các yếu tố khác.

1.5. Đau dạ dày do di truyền

Có sự liên quan giữa yếu tố di truyền với bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người có bố mẹ hay anh em ruột từng mắc bệnh đau dạ dày thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn rõ rệt.

2. Triệu chứng bệnh đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày có những triệu chứng phổ biến sau đây:

Đau vùng thượng vị


  • Đau vùng thượng vị là triệu chứng điển hình của bệnh đau dạ dày. Cảm giác đau khá không đồng nhất ở những người bệnh khác nhau. Có người cảm thấy đau tức, có người cảm thấy bỏng rát hay đau âm ỉ. 
  • Thời điểm đau thường tăng lên khi đói hoặc ăn hoa quả chua.

Ợ hơi, ợ chua

Người bị đau dạ dày thường hay ợ hơi và ợ ra hơi thở có mùi chua. Lý do ở đây là do vi khuẩn phát triển mạnh ở các ổ loét. Sản phẩm chuyển hóa của chúng bao gồm cả khí, làm tăng áp lực lên dạ dày và đẩy lên trên gây ợ.

Mệt mỏi, kém ăn

Người bị đau dạ dày thường có cảm giác mệt mỏi và ăn uống không ngon miệng. Người bị đau dạ dày thường bị giảm khả năng tiêu hóa thức ăn, hay bị đầy hơi, đầy bung, kém tiêu.

Nôn và buồn nôn


  • Nôn và buồn nôn gặp ở nhiều trường hợp bệnh nhân đau dạ dày. Các tổn thương  bị kích thích bởi dịch vị, thức ăn dễ tạo phản xạ nôn và buồn nôn. Tình trạng này nghiêm trọng hơn khi đau dạ dày đi kèm với trào ngược dạ dày, thực quản.
  • Người bệnh đau dạ dày rất hay nôn khan, đôi khi nôn ra máu tươi. Đây là trường hợp bệnh lý viêm loét dạ dày tiển triển, gây xuất huyết tiêu hóa 
Nôn và buồn nôn là triệu chứng hay gặp ở bệnh đau dạ dày
Nôn và buồn nôn là triệu chứng hay gặp ở bệnh đau dạ dày


Chảy máu tiêu hóa

Chảy máu tiêu hóa gặp trong trường hợp viêm loét dạ dày tiến triển. Dấu hiệu nhận biết là phân đen hoặc có máu tươi. Đôi khi chảy máu tiêu hóa nặng gây nôn ra máu tươi.

3. Điều trị đau dạ dày

Đau dạ dày là bệnh lý mãn tính. Người bệnh thường phải chung sống suốt đời với bệnh. Mục tiêu điều trị là cải thiện tình trạng bệnh, nâng cao thể trạng, giảm tần xuất xuất hiện đợt cấp và điều trị đợt cấp kịp thời, hiệu quả. Điều trị bệnh đau dạ dày cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt và kết hợp dùng thuốc.

Thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt, ăn uống điều trị đau dạ dày


  • Ăn uống đúng bữa, đúng giờ. Mỗi bữa ăn vừa phải, không ăn quá no.
  • Bỏ hút thuốc, bỏ rượu, bia và đồ uống có cồn. Nếu không bỏ được hẳn thì cần lên kế hoạch bỏ dần dần và sử dụng hết sức hạn chế.
  • Chơi thể thao, tích cực tham gia các hoạt động thể chất và tinh thần, sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh. Mục tiêu để nâng cao thể trạng và có tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế stress, căng thẳng thần kinh.

Thuốc điều trị đau dạ dày


  • Thuốc giảm tiết acid dạ dày: Ức chế bơm proton (omeprazol, esomeprazol, pantoprazol,...), thuốc ức chế thụ thể H2 tại dạ dày (Cimetidin, ranitidin, famotidin,...)
  • Thuốc kháng sinh: Để điều trị vi khuẩn HP tại dạ dày, thường phải phối hợp 2 loại kháng sinh trở lên và dùng dài ngày so với thông thường. Cặp kháng sinh thường dùng nhất trong điều trị đau dạ dày là Amoxicillin + Metronidazol. Có thể thay thế amoxicillin bằng Doxycillin, tetracycllin hoặc erythromycin.
  • Thuốc bao vết loét: Một số thuốc bao niêm mạc dạ dày  phổ biến, chất lượng khá tốt là Gastropulgis, Yuman gel, gaviscon, Pepsan,...
  • Thuốc trung hòa acid dịch vị: Thuốc muối (natri bicarbonat)
  • Thuốc giảm co thắt: Nospa, Spasmaverin,...

4. Phòng bệnh đau dạ dày


  •  Ăn uống đúng bữa, đúng giờ. Mỗi bữa ăn vừa phải, không ăn quá no.
  • Bỏ hút thuốc, bỏ rượu, bia và đồ uống có cồn. Nếu không bỏ được hẳn thì cần lên kế hoạch bỏ dần dần và sử dụng hết sức hạn chế.
  • Chơi thể thao, tích cực tham gia các hoạt động thể chất và tinh thần, sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh. Mục tiêu để nâng cao thể trạng và có tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế stress, căng thẳng thần kinh.  


Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh đau dạ dày. Bệnh đau dạ dày là bệnh phổ biến, là bệnh mãn tính. Đợt cấp của bệnh gây đau dạ dày và một số triệu chứng khó chịu khác. Bệnh đau dạ dày điều trị được bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống. Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh tiến triển gây ung thư rất đáng sợ. Chính vì vậy việc tìm hiểu về bệnh để có biện pháp phòng ngừa là hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực.
  


No comments