Basedow là bệnh gì?
Basedow là một loại bệnh tự miễn liên quan đến sự cường tuyến giáp. Tuyến giáp sản xuất ra nhiều hormon so vói bình thường dẫn tới một số rối loạn trong cơ thể. Năm 1840, nhà bác học người Đức Karl Adolph van Basedow được coi là người đầu tiên mô tả chi tiết các triệu chứng của căn bệnh này. Tên ông được sử dụng làm tên bệnh kể từ đó.
![]() |
Lồi mắt là một trong những triệu chứng điển hình của Basedow |
1. Bệnh Basedow là gì?
Định nghĩa bệnh Basedow ở Việt Nam có sự thống nhất so với tổ chức y tế thế giới. Theo đó, bệnh Basedow là một loại bệnh cường giáp do hoạt động quá mức không kiềm chế được của tuyến giáp. Điều này làm tăng sản xuất hormon tuyến giáp, gây nên các tổn hại về mô và chuyển hóa.
Bệnh Basedow là một loại bệnh tự miễn, là bệnh mãn tính liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể. Bệnh thường xảy ra nhiều hơn ở nữ giới trong độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi.
2. Triệu chứng của Bệnh Basedow
Các triệu chứng của bệnh Basedow khá phong phú và đôi khi có sự nhầm lẫn với các bệnh khác. Một số triệu chứng phổ biến hơn của bệnh có thể kể tới như sau:
- Lo lắng, bồn chồn, khó ngủ
- Đường huyết khó kiểm soát, dễ dẫn tới đái tháo đường
- Yếu cơ
- Giảm cân mặc dù không mất cảm giác thèm ăn
- Hụt hơi, khó thở, đánh trống ngực
- Mắt lồi, nổi phồng lên rõ rệt so với bình thường và thị lực giảm
- Da mỏng, vì thế da mặt của người Basedo thường hồng hào
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
- Bướu cổ
3. Nguyên nhân gây ra bệnh Basedow
Cũng như các bệnh tự miễn khác (bệnh Lupus ban đỏ, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh bệnh thiếu máu tự miễn, bệnh bạch biến,...), Basedow hiện nay chưa xác định được nguyên nhân một cách rõ ràng.
Đối với bệnh Basedow, người ta chỉ biết rằng vì lý do nào đó mà cơ thể của người bệnh tạo ra kháng thể kich thích tuyến giáp. Những kháng thể này do cơ thể sinh ra và tự gây hại mình khi làm tuyến giáp sản sinh ra nhiều hormon tuyến giáp hơn nhu cầu của cơ thể.
Chưa rõ nguyên nhân nhưng bệnh Basedow rõ ràng có mối liên quan đến tiền sử gia đinh (di truyền). Điều này có nghĩa là nếu như trong gia đình bạn có người bệnh Basedow thì khả năng bạn mắc bệnh Basedow là cao hơn hẳn.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh Basedow còn liên quan đến giới tính. Phụ nữ dễ mắc bệnh Basedow hơn nam giới.
Về tuổi tác, những người trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi dễ mắc Basedow hơn những độ tuổi khác.
4. Chẩn đoán bệnh Basedow
Chẩn đoán bệnh Basedow trước tiên dựa trên triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên các triệu chứng lâm sàng của bệnh Basedow như mắt lồi, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi, da mặt đỏ, căng thẳng, bồn chồn,...dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân gây cường giáp khác. Vì thế cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán phân biệt. Xét nghiệm đặc hiệu Basedow gồm có định lượng nồng độ hormon tuyến giáp, xét nghiệm kháng thể kháng thụ thể của TSH.
5. Bệnh Basedow có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị đúng cách và thường xuyên, bệnh Basedow sẽ tiến triển, gây ra các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Một số biến chứng của Basedow:
- Mắt: Viêm kết mạc, liệt cơ vận nhãn, lồi mắt ác tính có thể gây vỡ nhãn cầu
- Cơn bão giáp trạng: Gây nên các triệu chứng dữ dội trên tim mạch, thần kinh, nhiễm trùng nặng, tỷ lệ tử vong cao.
- Suy kiệt nặng
- Trong thực tế, nếu được điều trị, dùng thuốc đúng cách, bệnh Basedow có thể kiểm soát được. Nhiều bệnh nhân chung sống hòa bình với bệnh cho đến cuối đời, không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống.
6. Điều trị bệnh Basedow
Tùy từng giai đoạn bệnh hoặc tùy cơ địa, sự đáp ứng điều trị của bệnh nhân mà dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa, hoặc kết hợp cả hai.
Thuốc điều trị bệnh Basedow
Thuốc điều trị bệnh Basedow chủ yếu là thuốc kháng giáp trạng, phổ biến nhất hiện nay có Thiamazol và Propylthyouracil (PTU). Các thuốc này thường áp dụng cho bệnh nhân dưới 50 tuổi, điều trị lần đầu, thời gian duy trì dao động từ năm rưỡi đến 2 năm.
Ngoài thuốc kháng giáp trạng, một số thuốc khác được sử dụng để làm giảm triệu chứng của bệnh Basedow gồm có: thuốc chẹn kênh beta, thuốc an thần,....
Điều trị ngoại khoa
Bệnh Basedow áp dụng điều trị ngoại khoa trong trường hợp nghi ngờ ung thư, có bướu, phụ nữ có thai không dung nạp thuốc kháng giáp trạng.
Kỹ thuật mổ điều trị Basedow hiện nay nhiều cơ sở ở Việt Nam thực hiện tốt. Tuy nhiên trước khi mổ vẫn phải trải qua quá trình điều trị nội khoa (dùng thuốc kháng giáp trạng) để ổn định nồng độ hormon tuyến giáp.
Trên đây là một số thông tin về bệnh Basedow, góp phần giải quyết câu hỏi "bệnh Basedow là gì". Bệnh Basedow là bệnh lý tự miễn, nguyên nhân chưa rõ và thường xảy ra ở nữ giới. Khác với nhiều bệnh tự miễn khác, hiện nay bệnh Basedow thường kiểm soát được bằng thuốc và can thiệp ngoại khoa. Vì thế không nên quá lo lắng khi mắc bệnh này.
No comments