Bệnh tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý phổ biến nhất trong nhóm bệnh lý về tim mạch. Theo điều tra của Viện Tim mạch quốc gia năm 2008, ở Việt Nam có tới 1/4 (25%) người trên 25 tuổi bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp đa số gặp ở người độ tuổi trung niên trở lên và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hiện nay.
![]() |
Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến nhất hiện nay |
1. Tăng huyết áp là bệnh gì?
Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp ở người lớn được xác định khi
- Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) >= 140 mHg
- Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) >= 90 mHg
2. Phân loại Tăng huyết áp
Có hai cách phân loại tăng huyết áp phổ biến: Cách thứ nhất dựa trên mức độ tăng huyết áp, cách thứ 2 dựa trên nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Phân độ tăng huyết áp
Dựa vào mức độ tăng huyết áp mà người ta chia ra làm 3 loại: tăng huyết áp độ I, tăng huyết áp độ II, tăng huyết áp độ III.
- Tăng huyết áp độ I: Huyết áp tâm thu 140- 159 mHg, Huyết áp tâm trương 90- 99 mHg
- Tăng huyết áp độ II: Huyết áp tâm thu 160- 179 mHg, huyết áp tâm trương 100- 109 mHg
- Tăng huyết áp độ III: Huyết áp tâm thu >= 180 mHg, huyết áp tâm trương >= 110 mHg
Phân loại dựa trên nguyên nhân
Phân loại theo cách này, người ta tạm chia làm 2 loại là tăng huyết áp vô căn và tăng huyết áp thứ phát
- Tăng huyết áp vô căn: Tăng huyết áp vô căn hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát là bệnh lý tăng huyết áp mà không tìm thấy hoặc không rõ nguyên nhân gây ra. Đa số các bệnh nhân tăng huyết áp rơi vào trường hợp này.
- Tăng huyết áp thứ phát: Tăng huyết áp thứ phát là bệnh lý tăng huyết áp gây ra bởi một nguyên nhân khá rõ ràng nào đó. Nguyên nhân đó có thể do bệnh lý ở thận, do khiếm khuyết ở tim mạch hoặc tăng huyết áp do dùng thuốc.
3. Điều trị tăng huyết áp
Mục tiêu điều trị tăng huyết áp hiện nay (theo phác đồ điều trị Tăng huyết áp Canada 2017 ) là kiểm soát huyết áp dưới mức 140/90 mHg đối với đa số trường hợp. Với bệnh nhân có kèm đái tháo đường thì chỉ số này là 130/80 mHg.
Điều trị tăng huyết áp thường phải kiên trì, lâu dài, đa số phải thực hiện chế độ điều trị suốt cuộc đời còn lại. Điều trị tăng huyết áp phải kết hợp cả việc thay đổi lối sống, kiểm soát chế độ ăn uống (điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc) và dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.
Điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc
- Tích cực tham gia các hoạt động tinh thần và thể chất phù hợp với điều kiện sức khỏe.
- Giảm cân nếu như cân nặng vượt quá mức thông thường
- Kiêng hoặc hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,....
- Chế độ ăn lành mạnh, ăn nhiều rau quả, hạn chế ăn thịt, hạn chế đồ chiên rán, dầu, mỡ
- Tập thói quen ăn nhạt
Các thuốc điều trị tăng huyết áp
Song song với chế độ sinh hoạt, luyện tập, ăn uống đúng cách, việc sử dụng thuốc huyết áp hầu như là bắt buộc đối với các bệnh nhân tăng huyết áp. Hiện nay có 5 nhóm thuốc huyết áp được sử dụng phổ biến nhất, gồm có: Nhóm thuốc chẹn kênh Calci, nhóm thuốc ức chế men chuyển, nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, nhóm thuốc chẹn kênh Beta, nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc ức chế thần kinh giao cảm.
- Nhóm thuốc chẹn kênh Calci: Đại diện có Nifedipin (Adalat), Amlodipin (Amlor)
- Nhóm thuốc ức chế men chuyển: Đại diện có Perindopril (Coversyl), Enalapril (Renitec, Enyd), Captopril
- Nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II: Đại diện có Losartan, Ibersatan, Telmisartan
- Nhóm thuốc chẹn kênh beta (beta lock): Đại diện có propranolol (ức chế không chọn lọc), Atenolol (ức chế chọn lọc)
- Nhóm thuốc lợi tiểu: Đại diện có Furrosemid (Lasix), Hydrochlothiazid, Spironolacton
Việc sử dụng thuốc huyết áp đòi hỏi phải kiên trì và đều đặn mỗi ngày, không được chủ quan ngay cả khi cảm thấy huyết áp đã được kiểm soát. Bệnh nhân tăng huyết áp cũng nên thường xuyên đi khám lại để bác sỹ đánh giá mức độ đáp ứng và điều chỉnh liều hoặc đổi thuốc, phối hợp thuốc cho phù hợp.
Trên đây là một số thông tin về bệnh lý tăng huyết áp ở người lớn. Đây chỉ là những thông tin hết sức sơ bộ về căn bệnh này. Trong thực tế, đây là một bệnh lý rất phức tạp và nguy hiểm nhưng lại diễn biến thầm lặng. Chính vì thế việc kiểm tra huyết áp thường xuyên và xin ý kiến của bác sỹ là hết sức cần thiết, đặc biệt với lứa tuổi sau 50.
No comments