Thực đơn cho người bệnh lao phổi
Thực đơn cho người bệnh lao phổi như thế nào cho phù hợp là thắc mắc của nhiều người bệnh và người nhà người bệnh gửi đến ban biên tập Blogykhoa.net. Đây là thắc mắc cần thiết bởi vì bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống, dinh dưỡng cho người bệnh là hết sức quan trọng. Bài viết này xin chia sẻ một số thông tin về vấn đề này để bạn đọc tham khảo.
![]() |
Thực đơn cho người bệnh lao phổi cần đủ chất và khoa học |
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh lao phổi
Chế độ ăn giàu dưỡng chất
Thuốc điều trị bệnh lao phổi gây độc tế bào gan, hơn nữa lại phải dùng thuốc trong thời gian dài. Chính vì thế mà chức năng gan của người bệnh lao phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này khiến người bệnh lao phổi giảm cảm giác thèm ăn và tiêu hóa kém, cơ thể suy nhược. Vì thế chế độ ăn giàu dưỡng chất là hết sức quan trọng. Thực đơn của người bệnh lao phổi luôn phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất: Đường, đạm, lipid, vitamin và khoáng chất.
Thực đơn nhắm mục tiêu cải thiện thể trạng
Thể trạng của người bệnh lao phổi thường gầy, yếu. Thực đơn của người bệnh lao phổi cần khoa học, hợp lý nhằm cải thiện thể trạng. Mục tiêu là giữ cho chỉ số BMI (thể hiện sự cân bằng giữa chiều cao và cân nặng) của người bệnh lao phổi đạt mức 18,5 trở lên.
Sử dụng thực phẩm tốt cho gan
Trong quá trình lựa chọn thực đơn cho người bệnh lao phổi cần lưu ý ưu tiên các thực phẩm tốt cho gan. Điều này vừa giúp hạn chế tác dụng phụ của các thuốc điều trị lao phổi, vừa có tác dụng kích thích ăn ngon và tiêu hóa.
Tuyệt đối kiêng rượu bia và các chất kích thích
Rượu bia và các chất kích thích gây tương tác bất lợi với các thuốc điều trị lao phổi. Bên cạnh đó chúng còn gây quá tải chức năng gan của người bệnh.
2. Người bệnh lao phổi cần nhóm vitamin và khoáng chất nào?
Người bệnh lao phổi cần bổ sung đầy đủ tất cả các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, những vitamin và khoáng chất dưới đây là cần thiết hơn cả.
- Vitamin A, vitamin E: Đây là những vitamin tan trong dầu có tác dụng chống ô xy hóa, bảo vệ niêm mạc và tăng cường miễn dịch cho người bệnh. Vitamin A có nhiều trong các loại quả màu vàng đỏ như gấc,c à chua, cà rốt. Vitamin E có nhiều trong các loại rau mầm như giá đỗ.
- Vitamin C: Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước có nhiều trong ổi, rau xanh và các loại quả thuộc họ cam, chanh. Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, làm bền thành mạch.
- Vitamin B6: Người bệnh lao phổi dễ thiếu hụt vitamin B6 dẫn tới các chứng viêm dây thần kinh ngoại biên, tê bì chân tay. Bổ sung vitamin B6 có thể từ thuốc, thực phẩm chức năng hoặc các loại thức ăn giàu vitamin B6 như các loại đậu đỗ, khoai tây,....
- Kẽm: Các thuốc điều trị lao gây thiếu hụt kẽm nghiêm trọng ở người bệnh lao phổi. Điều này khiến người bệnh chán ăn, suy giảm miễn dịch. Các thực phẩm giàu kẽm là một số loại hải sản như hàu, sò, nghêu,....
- Sắt: Sắt giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu ở người bệnh lao. Cách bổ sung sắt hiệu quả là dùng viên sắt. Ngoài ra có thể bổ sung từ nguồn thực phẩm giàu sắt như các loại nấm, thịt bò, gan, lòng đỏ trứng.
- Vitamin K: Chức năng gan suy giảm, khả năng tiêu hóa kém dẫn tới thiếu hụt vitamin K ở người bệnh lao phổi. Vitamin này có thể được bổ sung bằng cách dùng một số thực phẩm giàu vitamin K như gan và các loại rau màu xanh đậm (rau bó xôi, cải xoong,...)
Trên đây là một số gợi ý về thực đơn cho người bệnh lao phổi. Khác với nhiều bệnh khác, bệnh nhân lao phổi thường có thể trạng gầy yếu và chức năng gan, chức năng tiêu hoá suy giảm nghiêm trọng. Vì thế chế độ ăn uống và lựa chọn thực đơn khoa học, đủ chất cho người bệnh lao phổi đóng vai trò hết sức quan trọng.
No comments