Breaking News

Vi khuẩn ăn thịt người là gì?

Vi khuẩn ăn thịt người là một cách gọi của một loại vi khuẩn có tên Bukholderia pseudomallei, Nó gây ra bệnh melioidosis, hay còn gọi là bệnh Whitmore theo tên của nhà khoa học đã phát hiện ra căn bệnh này. Bệnh này phổ biến ở Đông Nam Á, Bắc Úc và một số vùng khí hậu nhiệt đới khác.


1. Triệu chứng của bệnh gây ra bởi vi khuẩn ăn thịt người (melioidosis)

Vi khuẩn ăn thịt người (Whitmore) gây ra một số triệu chứng, có sự khác nhau ở từng người bệnh, tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm triệu chứng viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tại chỗ và có sự lan tỏa.

Các triệu chứng gây ra bởi Whitmore thông thường mất hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn mới xuất hiện. Các triệu chứng phổ biến có thể kể ra dưới đây:

1.1. Viêm đường hô hấp

Viêm đường hô hấp là triệu chứng phổ biến nhất gây ra bởi vi khuẩn ăn thịt người. Viêm phổi có thể phát sinh độc lập hoặc có thể là hệ quả của nhiễm trùng máu. Các triệu chứng viêm đường hô hấp có thể nhẹ như viêm phế quản hoặc có thể nghiêm trọng hơn, là viêm phổi và dẫn đến sốc nhiễm trùng. Sốc nhiễm trùng là một tình trạng bệnh nghiêm trọng có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Viêm đường hô hấp do vi khuẩn ăn thịt người có thể bị nhầm lẫn với bệnh lao bởi vì có nhiều điểm tương đồng. Chúng đều có thể dẫn đễn viêm phổi, sốt cao, đổ mồ hôi về đêm, giảm cân, xuất hiện đờm hoặc có máu trong các mô phổi.

1.2. Nhiễm trùng máu

Nếu không được điều trị nhanh chóng, vi khuẩn ăn thịt người có thể gây nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng máu là dạng melioidosis nghiêm trọng nhất. Nó đe dọa tính mạng người bệnh.

Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn ăn thịt người:
  • Bệnh nhân tiểu đường
  • Bệnh thận
  • Người nghiện rượu
  • Bệnh gan
  • Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia)
  • Bệnh phổi mãn tính
  • Bệnh ung thư hoặc một số tình trạng bệnh khác ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch

Những người trên 40 tuổi cũng có nguy cơ nhiễm bệnh melioidosis nhiễm trùng máu cao hơn so với những người trẻ.

1.3. Nhiễm trùng cục bộ

Vi khuẩn ăn thịt người có thể gây nhiễm trùng da và cơ quan ngay dưới da. Nhiễm trùng cục bộ có thể gây nhiễm trùng máu và nhiễm trùng máu có thể gây nhiễm trùng cục bộ. Các triệu chứng có thể bao gồm:
  • Đau hoặc sưng ở một khu vực như tuyến mang tai
  • Loét hoặc áp xe da hoặc ngay dưới da. Chúng có thể bắt đầu như những nốt sần, sẫm màu hoặc trắng, mềm dần và loét sau đó lan ra. Vì triệu chứng như vậy mà vi khuẩn Bukholderia pseudomallei được người ta gọi là vi khuẩn ăn thịt người.

2. Nguồn lây nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

Người và động vật tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước nhiễm vi khuẩn ăn thịt người có thể bị bệnh melioidosis (Whitmore). Vi khuẩn ăn thịt người có thể sống nhiều năm trong đất, nước bị ô nhiễm. Những con đường lây nhiễm cụ thể:
  • Hít phải bụi bẩn hoặc nước bẩn
  • Uống nước bị ô nhiễm chưa được khử trùng
  • Chạm vào đất ô nhiễm bằng tay hoặc chân, đặc biệt khi có vết tổn thương nhỏ trên da. 


Rất hiếm khi vi khuẩn ăn thịt người lây truyền từ người này sang người khác hoặc từ động vật sang người. Sự bùng phát của melioidosis là phổ biến nhất sau một trận mưa bão lớn hoặc sau lũ lụt. 

3. Những người có nguy cơ nhiễm vi khuẩn ăn thịt người nhất

Những người có khả năng tiếp xúc nhiều nhất với vi khuẩn ăn thịt người (B.pseudomallei) bao gồm:
  • Bộ đội
  • Công nhân xây dựng, nông dân, trồng rừng, đánh bắt thủy sản
  • Du lịch mạo hiểm

4. Chẩn đoán nhiễm trùng vi khuẩn ăn thịt người

Melioidosis có thể ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan và triệu chứng giống với nhiều bệnh khác vì thế chẩn đoán dựa trên triệu chứng rất dễ nhầm lẫn.

Nuôi cấy vi khuẩn B.pseudomallei được coi là xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn vàng. Để làm điều này, người ta sẽ lấy mẫu máu, đờm, mủ, nước tiểu, bao hoạt dịch, dịch màng bụng hoặc dịch màng tim.

5. Điều trị vi khuẩn ăn thịt người

Nhiễm bệnh do Vi khuẩn ăn thịt người có thể điều trị được không? Câu trả lời là có với điều kiện chẩn đoán chính xác sớm và tuân thủ điều trị trong thời gian tương đối dài.

Giai đoạn đầu điều trị bệnh melioidosis tối thiểu 10-14 ngày dùng kháng sinh theo đường truyền tĩnh mạch. Điều trị bằng kháng sinh này có thể kéo dài tới tám tuần tùy thuộc diễn biến bệnh. Một trong hai loại kháng sinh sau đây có thể cân nhắc để sử dụng:
  • Ceftazidime, dùng 6 đến 8 giờ 1 lần
  • Meropenem, dùng 8 giờ một lần

Giai đoạn điều trị thứ hai kéo dài ba đến sáu tháng, sử dụng một trong hai loại kháng sinh đường uống:
  • Sulfamethoxazole- trimethoprim (Biseptol, Bactrim), uống ngày 2 lần
  • Doxycycline, uống ngày 2 lần

6. Phòng bệnh do vi khuẩn ăn thịt người

Nhiễm trùng do Vi khuẩn ăn thịt người rất nguy hiểm, khó chẩn đoán chính xác sớm và thời gian điều trị kéo dài. Vì thế việc phòng nhiễm vi khuẩn ăn thịt người là quan trọng. Hiện nay vắc xin phòng melioidosis chưa có. Để ngăn ngừa, nên thực hiện những hành động sau đây:
  • Khi làm những công việc tiếp xúc với đất hoặc nước, nên mang ủng và găng tay không thấm nước
  • Tránh tiếp xúc đất và nước bẩn nếu bạn đang có vết thương hở hoặc mắc bệnh tiểu đường hay bệnh thận mãn tính
  • Nhân viên y tế sử dụng đồ bảo hộ đúng quy định
  • Nếu uống sữa, hãy chắc chắn chúng đã được tiệt trùng
  • Kiểm tra bệnh melioidosis nếu bạn sắp bắt đầu điều trị ức chế miễn dịch

Hiện tại vi khuẩn ăn thịt người đang quay trở lại Việt Nam sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, đã có nhiều chuyên gia y tế cảnh báo về hiện tượng này. Chỉ trong tháng 8/2019, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore (bệnh do vi khuẩn ăn thịt người) , trong đó có 4 ca đã tử vong. Đây là căn bệnh nguy hiểm, vì vậy việc tìm hiểu để đối phó với nó là việc cần thiết.

No comments