Bệnh trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày hay trào ngược dạ dày- thực quản (GERD) là triệu chứng phổ biến. Hầu như ai cũng từng có cảm giác ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Đây không phải là vấn đề gì nghiêm trọng nếu nó là hiện tượng hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn (ít nhất 1 lần 1 tuần) thì có thể bạn đã mắc bệnh trào ngược dạ dày- thực quản.
![]() |
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì? |
1. Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản là gì
- Trào ngược dạ dày hay trào ngược dạ dày- thực quản là một rối loạn của hệ tiêu hóa. Trong đó dịch vị, thức ăn từ dạ dày chảy ngược trở lại thực quản. Trào ngược dạ dày, thực quản thường tạo ra các triệu chứng gây khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng sống và trong một số trường hợp nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn.
- Trào ngược dạ dày, thực quản là một rối loạn thường gặp, thống kê cho thấy có khoảng 20% những người sống ở các nước đang phát triển như Việt Nam bị trào ngược dạ dày, thực quản.
- Trào ngược dạ dày, thực quản có thể được kiểm soát triệu chứng bằng cách thay đổi lối sống thích hợp. Nếu những biện pháp đơn giản không đem lại kết quả tích cực, biện pháp dùng thuốc có thể sẽ giải quyết được. Điều trị phẫu thuật đa số là không cần thiết trong bệnh trào ngược dạ dày, thực quản.
2. Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày, thực quản
- Triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày, thực quản là ợ hơi, ợ chua, có cảm giác nóng ở ngay dưới xương ức, thường tỏa lên phía trên cổ họng. Triệu chứng này giống bệnh đau dạ dày. Trào ngược là một dạng nặng hơn trong đó acid dạ dày đi ngược lên đến mặt sau của cổ họng, khiến miệng cảm nhận thấy vị chua.
- Triệu chứng của trào ngược dạ dày, thực quản đôi khi đi kèm với cảm giác buồn nôn
- Ợ nóng và trào ngược hay xảy ra hơn sau khi ăn no và khi nằm phẳng hoặc uốn cong người.
- Hay có cảm giác giống như mắc đờm ở cổ họng mà không khạc ra hay nuốt xuống được
- Những người bị trào ngược dạ dày, thực quản mãn tính có thể gặp triệu chứng khó nuốt. Khó nuốt đôi khi có thể kèm theo nuốt đau. Khó nuốt hay nuốt đau thường là dạng nặng của bệnh trào ngược dạ dày, thực quản. Điều này có thể đồng nghĩa với có sự tổn thương ở thực quản.
![]() |
Ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị là triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày, thực quản |
3. Các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày, thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản trong đa số các trường hợp là không quá nghiêm trọng và có thể khống chế được bằng cách thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt kết hợp với dùng thuốc. Tuy nhiên có một số trường hợp trào ngược dạ dày, thực quản gây ra các vấn đề sức khỏe tồi tệ khác. Một số biến chứng trào ngược dạ dày, thực quản có thể gặp như sau:
Viêm thanh quản mãn tính
Nhiều người bị viêm thanh quản mãn tính dẫn tới khàn tiếng do nguyên nhân từ bệnh trào ngược dạ dày, thực quản
Sâu răng
Trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến acid dịch vị chảy ngược lên miệng khiến miệng có cảm giác chua và pH khoang miệng xuống thấp hơn pH sinh lý (pH acid). Điều này khiến cho vi khuẩn ưa acid tại khoang miệng phát triển dẫn tới sâu răng. Đây là một trong số những nguyên nhân gây sâu răng phổ biến ở trẻ nhỏ.
Hen suyễn
Triệu chứng hen suyễn ở người bệnh viêm phế quản có thể được thúc đẩy bởi nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản. Người ta đã tìm thấy sự liên quan chặt chẽ giữa hen suyễn và bệnh trào ngược dạ dày mãn tính. Theo đó, có khoảng một nửa (50%) những người bị bệnh hen suyễn là có bệnh kèm theo là trào ngược dạ dày, thực quản.
Ăn mòn thực quản
Acid dạ dày trào ngược lên thực quản gây bỏng và tạo thành các vết loét ở niêm mạc thực quản. Điều này khiến cho người bệnh có cảm giác khó nuốt, đau khi nuốt. Thậm chí nhiều trường hợp còn có tình trạng xuất huyết thực quản hoặc thủng thực quản.
Ung thư thực quản
Trong điều kiện bất bình thường do thường xuyên phải tiếp xúc với acid dạ dày, niêm mạc thực quản xuất hiện các tế bào bất thường. Các tế bào bất thường có nguy cơ cao phát triển thành ung thư thực quản.
4. Cơ chế bệnh trào ngược dạ dày, thực quản
- Thông thường thì thức ăn chỉ được đi theo một chiều từ thực quản xuống dạ dày. Dịch vị dạ dày và thức ăn bị ngăn chặn trào ngược lên thực quản bởi cơ vòng thực quản dưới (LES). Cơ vòng thực quản dưới nằm ở vị trí ngã ba giữa dạ dày và thực quản. Nó tạo thành rào chắn giữa thực quản và dạ dày và đóng mở phù hợp với chức năng sinh lý và có nguyên tắc. Cơ vòng thực quản dưới giãn ra khi có phản xạ muốt để thức ăn đi xuống dạ dày. Nó cũng giãn ra khi chúng ta ợ hơi để thoát khí từ dạ dày ra ngoài.
- Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới giãn ra không theo quy luật một cách thường xuyên. Nó khiến dịch vị và thức ăn thường xuyên đi ngược lên thực quản.
5. Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày, thực quản
Chế độ ăn uống, sinh hoạt sử dụng nhiều chất kích thích
Hút thuốc lá, uống rượu, cà phê và thói quen ăn nhiều chất béo là những thứ có xu hướng kích hoạt tình trạng trào ngược dạ dày, thực quản ở những người mắc chứng bệnh này.
Thoát vị hernia gây trào ngược dạ dày, thực quản
Đây là một khiếm khuyết của dạ dày khi mà một phần của dạ dày nhô lên trên cơ hoành, phá vỡ chức năng bình thường của cơ vòng thực quản dưới.
Béo phì gây trào ngược dạ dày
Béo phì, đặc biệt là béo bụng là nguy cơ mạnh mẽ dẫn tới bệnh trào ngược dạ dày, thực quản. Béo phì làm tăng áp lực lên dạ dày và có xu hướng phá vỡ chức năng sinh lý bình thường của cơ vòng thực quản dưới. Đồng thời người béo phì cũng dễ mắc các biến chứng của trào ngược dạ dày, thực quản hơn.
![]() |
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây trào ngược dạ dày, thực quản |
Phụ nữ mang thai dễ bị trào ngược dạ dày thực quản và buồn nôn
Cũng như béo phì, phụ nữ mang thai làm tăng áp lực ở ổ bụng lên dạ dày. Sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai cũng có xu hướng gây bệnh trào ngược dạ dày, thực quản và gây nôn.
6. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày, thực quản
Trào ngược dạ dày điều trị được và không gây biến chứng ở đa số các trường hợp. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bên cạnh việc dùng thuốc thì thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng.
Thay đổi lối sống
- Kiểm soát cân nặng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong vấn đề thay đổi lối sống điều trị trào ngược dạ dày, thực quản.
- Ngủ với gối cao. Tư thế ngủ với vị trí đầu cao giúp hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày, thực quản.
- Kiêng thuốc lá, hạn chế rượu bia và các chất kích thích
- Bỏ thói quen ăn đêm, nhất là sát giờ đi ngủ
- Tránh mặc quần áo chật vùng bụng và thắt lưng
Thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày, thực quản
- Domperidon: Domperidon có tác dụng tăng nhu động đường tiêu hóa, cải thiện chức năng cơ vòng thực quản dưới. Domperidon làm rút ngắn thời gian thức ăn lưu lại dạ dày, làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, Vì vậy điều trị được triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Domperidon cũng được cho là hiệu quả trong điều trị bệnh hôi miệng do hở tâm vị. Một số biệt dược nổi tiếng của Domperidol ở Việt Nam có thể kể tới là MotiliuM, Modum's
- Thuốc kháng acid: Thuốc kháng acid không ngăn chặn được được dịch vị trào ngược lên thực quản nhưng nó làm giảm được các triệu chứng của bệnh. Thuốc kháng acid bao gồm 2 loại chính là kháng Histamin H2 và thuốc ức chế bơm Proton. Kháng histamin H2 có thể kể tới Cimetidin, ranididin, famotidin,....Thuốc ức chế bơm proton có thể kể tới Omeprazol, Rabeprazol, esomeprazol (Nexium), Pantoprazol,...
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh trào ngược dạ dày, thực quản. Đây là một bệnh phổ biến và có thể điều trị không khó khăn gì bằng cách dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt, ăn uống. Trong đó việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt đóng vai trò hết sức quan trọng.
No comments