Bệnh viêm phế quản là gì?
Bệnh viêm phế quản là một trong những bệnh viêm đường hô hấp phổ biến, đặc biệt là ở Việt nam ta là nước có tình hình ô nhiễm không khí rất phức tạp. Bệnh viêm phế quản hay gặp ở trẻ em và người cao tuổi, là những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh hoặc đã bị suy yếu.
![]() |
Bệnh viêm phế quản thuốc nhóm bệnh viêm đường hô hấp dưới |
Bệnh viêm phế quản là gì
- Phế quản thuộc đường hô hấp dưới, là các ống dẫn khí vào phổi. Hệ thống phế quản bao gồm có phế quản gốc trái, phế quản gốc phải. Từ phế quản gốc trái và phế quản gốc phải lại chia nhánh ra thành các tiểu phế quản. Khi các ống này bị viêm, sẽ có hiện tượng xuất tiết dịch gây tắc nghẽn đường hô hấp dẫn tới ho và khó thở. Tình trạng này được gọi là viêm phế quản.
- Bệnh viêm phế quản thường khởi phát bởi nguyên nhân virus. Tùy vào thời gian và tần xuất của bệnh mà người ta phân loại viêm phế quản thành viêm phế quản cấp tính hay viêm phế quản mãn tính. Viêm phế quản cấp tính thường kéo dài không quá 10 ngày. Viêm phế quản mãn tính có thể kéo dài vài tuần và thường tái đi, tái lại nhiều lần.
Triệu chứng của bệnh viêm phế quản
Triệu chứng của viêm phế quản cấp tính và đợt cấp của viêm phế quản mãn tính gần như không có sự khác biệt. Triệu chứng của viêm phế quản cấp tính là không đặc hiệu, nó có thể giống với triệu chứng của một số bệnh khác như ho mãn tính, viêm phổi,....Vì vậy để được chẩn đoán xác định chính xác thì cần đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa hô hấp.
Các triệu chứng thường gặp của viêm phế quản cấp tính bao gồm:
- Ho có đờm là triệu chứng luôn luôn gặp ở viêm phế quản. Ho có thể kéo dài sau 10 ngày, ngay cả khi đã sử dụng liệu pháp kháng sinh, kháng viêm.
- Tức ngực
- Khó thở, thở khò khè
- Sốt có thể xuất hiện. Đây thường là biểu hiện của tình trạng viêm thứ cấp, ví dụ viêm phổi
- Đau rát họng từ việc ho dai dẳng
![]() |
Ho có đờm là một trong những triệu chứng của viêm phế quản |
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phế quản cấp tính là do nhiễm virus đường hô hấp dưới. Viêm phế quản có thể là diễn tiến của bệnh cảm cúm. Trong một số trường hợp, vi khuẩn gây bệnh ho gà cũng có thể gây bệnh viêm phế quản. Vi khuẩn này có tên là Bordetella pertussis.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm phế quản cấp tính
- Bất cứ ai cũng có khả năng mắc bệnh viêm phế quản cấp tính. Trong thực tế, hầu hết ai cũng từng bị viêm phế quản cấp tính một vài lần trong đời. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tần xuất mắc viêm phế quản là cao hơn. Một số yếu tố nguy cơ, thuận lợi cho việc mắc viêm phế quản có thể kể tới như sau:
- Sức đề kháng kém. Điều này gặp ở trẻ em, người lớn tuổi hoặc ở người mắc các bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Mắc bệnh trào ngược dạ dày- thực quản
- Người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá
- Người làm việc ở môi trường bụi bặm như công nhân xây dựng, công nhân cầu đường
Điều trị bệnh viêm phế quản cấp tính (hoặc viêm phế quản mãn tính đợt cấp)
- Việc điều trị viêm phế quản ở Việt Nam hiện nay rất bừa bãi. Đa số các trường hợp viêm phế quản đều không đến bệnh viện mà tự điều trị bằng cách mua thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc. Theo đó, kháng sinh được coi như là liệu pháp chủ yếu. Tuy nhiên trong thực tế, kháng sinh gần như không giải quyết được gì trong hầu hết các trường hợp viêm phế quản bởi vì nguyên nhân gây viêm phế quản thường là virus chứ không phải vi khuẩn. Kháng sinh lại không có tác dụng tiêu diệt vi rút.
- Trong điều trị viêm phế quản cấp, các biện pháp nhằm làm thông thoáng đường hô hấp và giải phóng đờm là ưu tiên hàng đầu. Các thuốc làm long đờm, loãng đờm, giúp đờm dễ khạc ra hiện nay phổ biến có Acetylcystein (Acemuc, Mitux,...). Ngoài ra có Ambroxon, Guaiphenesin, bromhexin
- Thuốc giảm ho thường không được khuyến khích trong điều trị viêm phế quản bởi vì ho là phản xạ có lợi của cơ thể, giúp tống khứ đờm ra bên ngoài. Trong trường hợp ho quá nhiều dẫn tới mệt mỏi, suy nhược cơ thể thì mới cần dùng đến thuốc ho. Thuốc ho phổ biến có dẫn xuất của morphin như Codein, Dextromethophan. Bên cạnh đó có các loại thuốc ho nguồn gốc dược liệu cũng có nhiều ưu điểm như Bổ phế chỉ khái lộ, Bảo Thanh, Prospan,....
- Thuốc hạ sốt được sử dụng khi bệnh nhân bị sốt. Tất nhiên lựa chọn hàng đầu vẫn là Paracetamol, kế đến là Ibuprofen
- Giữ ấm vùng cổ, ngực và xúc miệng nước muối thường xuyên là biện pháp hỗ trợ rất cần thiết để tránh biến chứng bệnh gây viêm họng, viêm phổi,....
![]() |
Thuốc kháng sinh không phải luôn cần thiết trong điều trị viêm phế quản |
Phòng ngừa bệnh viêm phế quản
- Không có cách nào phòng ngừa hoàn toàn bệnh viêm phế quản. Tuy nhiên có những cách để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh. Một số biện pháp sau đây sẽ giúp bạn yên tâm hơn với nguy cơ mắc viêm phế quản.
- Nếu xung quanh bạn có người đang bị viêm phế quản, tốt nhất nên hạn chế tiếp xúc, tránh chạm vào miệng, vào mắt người đang bị bệnh.
- Bỏ hút thuốc là và tránh xa khói thuốc. Khói thuốc rất có hại cho sức khỏe. Ngoài viêm phế quản, khói thuốc còn là nguyên nhân gây nhiều bệnh như viêm họng, viêm xoang, sâu răng và bệnh hôi miệng.
- Rửa tay sạch trước khi ăn
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đeo khẩu trang khi ra đường
- Lưu ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để có hệ miễn dịch tốt, nâng cao sức đề kháng
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cảm cúm hàng năm cũng góp phần quan trọng phòng ngừa bệnh viêm phế quản.
![]() |
Tránh xa khói thuốc lá để phòng bệnh viêm phế quản |
Trên đây là một vài thông tin sơ bộ về bệnh viêm phế quản là gì. Bệnh viêm phế quản là bệnh phổ biến, thường là cấp tính. Tuy nhiên viêm phế quản có thể diễn biến thành bệnh mãn tính và hen phế quản. Việc tìm hiểu bệnh viêm phế quản là gì rất quan trọng. Nó giúp bạn có thêm kiến thức để phòng ngừa và chăm sóc đúng cách.
No comments