Những lưu ý khi bị bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tên gọi thông thường của bệnh viêm kết mạc. Đau mắt đỏ là căn bệnh rất thường gặp ở những nước có tình trạng ô nhiễm không khí đáng ngại như Việt Nam, nhất là tại các đô thị lớn. Đau mắt đỏ gây đau, hạn chế thị lực, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm và đặc biệt dễ lây. Vì vậy việc hiểu rõ về nguyên nhân gây ra bệnh, phương pháp điều trị và phương pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ là việc làm cần thiết.
Bệnh đau mắt đỏ là gì
- Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc. Đây là tình trạng viêm nhiễm ở mắt dẫn tới xung huyết, chuyển sang màu đỏ ngầu của khu vực lòng trắng và bên trong mí mắt (kết mạc).
- Kết mạc vốn dĩ là trong suốt nhưng nó có chứa các mạch máu nhỏ li ti. Khi kết mạc bị viêm, các mạch máu sẽ bị giãn rộng, tình trạng xung huyết khiến cho "lòng trắng" chuyển sang màu đỏ ngầu rất đáng sợ. Tình trạng viêm dẫn đến sự đổi màu của mắt là lý do bệnh viêm kết mạc có tên gọi là bệnh đau mắt đỏ.
Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, có thể gói gọn trong 3 nhóm nguyên nhân chính sau đây:
- Đau mắt đỏ do vi rút: Trong những năm gần đây tại nước ta ghi nhận nhiều đợt bùng phát dịch đau mắt đỏ do virus. Loại vi rút thường gây nên bệnh đau mắt đỏ ở người là Adenovirus hoặc Enterovirus. Bệnh đau mắt đỏ do virus có thể tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Tuy nhiên bệnh đau mắt đỏ do vi rút lại rất dễ lây lan tạo thành dịch. Virus xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp và gây nên các triệu chứng rầm rộ của bệnh đau mắt đỏ.
- Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Các chủng vi khuẩn gây bệnh đau mắt đỏ ở người là khá phong phú, bao gồm cả tụ cầu, liên cầu, phế cầu khuẩn. Đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể điều trị khỏi đơn giản bằng liệu pháp kháng sinh, kháng viêm. Tuy nhiên nếu chủ quan hoặc điều trị không đúng cách thì rất dễ gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mù mắt.
- Đau mắt đỏ do dị ứng: Một số chất khi tiếp xúc với mắt có thể gây kích thích, viêm kết mạc. Có thể kể ra như phấn hoa, lông động vật, hoá chất, khói bụi,....
- Đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau. Đau mắt đỏ có thể lây khi tiếp xúc với dịch nước mắt, khi dùng chung khăn mặt hoặc lây qua đường hô hấp. Vì thế người bệnh đeo kính râm rồi vẫn có thể truyền bệnh cho người xung quanh mặc dù người xung quanh không nhìn thấy "mắt đỏ".
Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ
Triệu chứng chung và dễ nhận thấy nhất là mắt chuyển sang màu đỏ ngầu, nhiều trường hợp nặng cả hai mắt đỏ ngầu như máu.
Tuỳ vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ mà ở các thể này có đôi chút khác biệt về triệu chứng.
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) do virus rất dễ lây lan, đường lây truyền chính cũng giống như bệnh cảm cúm, bệnh sởi là lây qua đường hô hấp. Đau mắt đỏ do virus ngoài triệu chứng đỏ mắt còn có các triệu chứng khác như chảy nước mắt, ngứa mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Trường hợp này có thể bị đau một hoặc cả hai mắt. Đau mắt đỏ do virus thường rầm rộ trong vài ngày rồi tự khỏi mà không cần liệu pháp điều trị gì.
- Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) do vi khuẩn: Có thể bị đau 1 hoặc cả 2 mắt. Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường kèm theo nhử nhèm màu vàng hoặc xanh (mủ) ở khoé mắt. Sau khi ngủ dậy có thể khó mở mắt do mí mặt bị dịch mắt, nhử nhèm dính chặt lại.
- Đau mắt đỏ do dị ứng: Mắt đỏ, ngứa, cộm, chảy nước mắt, có thể có mẩn ngứa vùng xung quanh mắt. Đau mắt đỏ do dị ứng thường kèm theo nghẹt và chảy nước mũi. Đau mắt đỏ do dị ứng đa số bị cả 2 mắt cùng một lúc và không truyền nhiễm.
Phương pháp điều trị bệnh đau mắt đỏ
Điều trị đau mắt đỏ có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chẩn đoán bệnh. Việc xác định thể bệnh (nguyên nhân gây bệnh) có ý nghĩa quyết định tới phác đồ điều trị.
- Đau mắt đỏ do virus: Việc cần làm đơn giản là giữ vệ sinh mắt bằng cách đeo kính tránh bụi, ánh sáng và nhỏ nước muối sinh lý khoảng 3-4 lần / ngày. Nếu đau hoặc sốt thì uống Paracetamol. Nếu ngứa ngáy khó chịu thì nên uống thêm thuốc kháng histamin (Chlopheniramin maleat, loratadin, fexofenadin- telfast,...). Sau khi phát triệu chứng, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày.
- Đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn: Liệu pháp kháng sinh là bắt buộc. Thông thường chỉ cần nhỏ mắt bằng dung dịch kháng sinh nhỏ mắt như Tobramycin, chloramphenicol, Ciprofloxacin,,,,,Có thể phối hợp thêm liệu pháp kháng viêm (thuốc nhỏ mắt có thêm thành phần corticoid) để giảm nhanh triệu chứng viêm của đau mắt đỏ.
- Đau mắt đỏ do dị ứng: Giữ vệ sinh mắt, nhỏ nước muối sinh lý, lấy dị vật (nếu có). Bên cạnh đó thường dùng liệu pháp kháng viêm (kháng histamin hay corticoid). Điều trị đau mắt đỏ do dị ứng cần cách ly bệnh nhân với dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) thì mới không bị tái lại.
Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến và dễ mắc phải. Tuy nhiên có thể giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh đau mắt đỏ bằng cách thực hiện một số nguyên tắc dưới đây:
- Không bao giờ dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tay hoặc khăn giấy.
- Giữ cho tay sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn hoặc khi trở về từ những nơi công cộng như ở trường, bến xe buýt,....
- Sử dụng khẩu trang như là một thói quen khi ra đường
- Sử dụng kính bơi khi đi bơi
- Nâng cao sức đề kháng của bản thân bằng cách chăm chỉ vận động thể chất, bổ sung vi tamin C và các sản phẩm hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
Trên đây là một số lưu ý về bệnh đau mắt đỏ. Như vậy bệnh đau mắt đỏ có nhiều dạng, có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Việc điều trị bệnh đau mắt đỏ phụ thuộc vào việc đánh giá nguyên nhân gây ra bệnh. Bên cạnh đó việc phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ là có thể thực hiện được bằng cách tuân thủ một số nguyên tắc đơn giản.
No comments