Breaking News

Viêm mũi dị ứng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm mũi dị ứng là một trong những căn bệnh khó chịu nhất Quả đất này. Viêm mũi dị ứng gây khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống và có thể gây nên các biến chứng khác như viêm xoang và viêm đường hô hấp dưới. Trớ trêu thay, viêm mũi dị ứng lại là căn bệnh khá phổ biến và dai dẳng, khó điều trị tận gốc.

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh đáng ghét, gây khó chịu, mệt mỏi và dai dẳng
Viêm mũi dị ứng là căn bệnh đáng ghét, gây khó chịu, mệt mỏi và dai dẳng

Viêm mũi dị ứng là gì


  • Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm mũi do dị ứng với các tác nhân gây dị ứng (dị nguyên) như bụi, hóa chất, phấn hoa, thời tiết,...Viêm mũi dị ứng gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu, bao gồm ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, nhỏ giọt nước mũi xuống họng.
  • Viêm mũi dị ứng có thể bắt gặp ở mọi giới, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên viêm mũi dị ứng phổ biến hơn ở lứa tuổi trẻ em hoặc người trưởng thành trẻ tuổi. 

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng giống triệu chứng của bệnh cảm cúm. Triệu chứng bệnh có thể có sự khác biệt ở người này so với người khác. Tuy nhiên đa số các trường hợp viêm mũi dị ứng đều có các triệu chứng phổ biến sau đây:

  • Các triệu chứng ở mũi: Nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi là triệu chứng thường trực ở đợt viêm mũi dị ứng. Ngoài ra người bị viêm mũi dị ứng còn thường cảm thấy nặng và có cảm giác đau ở 2 bên sống mũi, đôi khi xỉ ra nước mũi có lẫn tia máu. Khứu giác thường bị mất (mũi không ngửi thấy mùi) trong đợt viêm mũi dị ứng.
  • Mắt: Chảy nước mắt, mí mắt nặng, đôi khi có ngứa, đỏ
  • Họng, tai: Ngứa họng, đôi khi có đau rát họng và khản tiếng. Tai thường bị ù và ngứa
  • Các triệu chứng khác: Mệt mỏi, khó tập trung. Do bị nghẹt mũi nên thường phải thở bằng miệng, ngủ ngáy, chất lượng giấc ngủ thấp và bị hôi miệng. Đôi khi có thể bị sốt.


Triệu chứng của viêm mũi dị ứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống

Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng


  • Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng là do cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng gọi là dị nguyên. Dị nguyên thường là các vật thể có kích thước rất nhỏ lơ lửng trong không khí. Mũi người hít vào gây dị ứng. 
  • Dị nguyên gây viêm mũi dị ứng ở người có thể là bụi, có thể là phấn hoa, lông động vật, hóa chất (sơn), nấm mốc,...
  • Dị nguyên khi tiếp xúc với cơ thể sẽ làm kích hoạt 2 loại tế bào viêm là tế bào Mast và Basophil. Các tế bào này sản xuất ra chất gây viêm gọi là Histamin. Histamin làm tăng tiết dịch làm tắc nghẽn đường hô hấp và làm tăng sự nhạy cảm của niêm mạc đường hô hấp. 
  • Một chất có thể gây dị ứng với người này nhưng lại không gây dị ứng với những người khác. Việc xác định dị nguyên là việc rất quan trọng để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, việc xác định này thường là khó khăn.
  • Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện ở trẻ em và người lớn có sức đề kháng kém dễ bị viêm mũi dị ứng hơn. Trong thực tế, nhiều người đã thoát khỏi sự đeo bám của bệnh viêm mũi dị ứng sau một quá trình rèn luyện nâng cao thể lực và tăng cường sức đề kháng.

Điều trị viêm mũi dị ứng 


  • Điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng kết hợp củng cố hệ miễn dịch cơ thể. Để điều trị nguyên nhân, cần xác định dị nguyên gây viêm mũi dị ứng để cách ly. Tuy nhiên như đã nói ở trên, việc xác định dị nguyên là khó khăn. Ngay cả khi xác định được dị nguyên gây viêm mũi dị ứng, đôi khi cũng phải chấp nhận "sống chung với lũ" vì việc cách ly đồng nghĩa với thay đổi nơi sinh sống.


Điều trị viêm mũi dị ứng thường là điều trị triệu chứng, khó giải quyết căn nguyên gây bệnh
Điều trị viêm mũi dị ứng thường là điều trị triệu chứng, khó giải quyết căn nguyên gây bệnh


  • Mục tiêu khả dĩ trong điều trị viêm mũi dị ứng là điều trị triệu chứng và giảm tần xuất xuất hiện viêm mũi dị ứng. Một số thuốc thường dùng trong phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng có thể kể ra sau đây:

Thuốc kháng histamin


  • Thuốc kháng histamin là thuốc đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng. Cơ chế tác dụng của thuốc kháng histamin là ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể do đó làm giảm tác dụng gây viêm của histamin.
  • Tác dụng cơ bản của thuốc kháng histamin gồm có: Giảm tiết dịch đường hô hấp, giảm ho, giảm ngứa. Đối với thuốc kháng histamin thế hệ 1 thì có thêm tác dụng an thần, gây ngủ.
  • Một số thuôc kháng histamin phổ biến: Chlorpheniramin maleat, Loratadin, fexofenadin- Telfast,...

Thuốc chống viêm Steroid (Corticoid)


  • Thuốc corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nên có hiệu quả rõ rệt và gần như tức thời đối với triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.
  • Việc sử dụng thuốc Corticoid cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định và hướng dẫn sử dụng của bác sỹ để hạn chế tác dụng không mong muốn. Trong điều trị viêm mũi dị ứng, thuốc Corticoid thường được dùng dạng nhỏ mũi hoặc khí dung để phát huy tác dụng tại chỗ và hạn chế tác dụng phụ toàn thân.
  • Một số thuốc Corticoid thường dùng điểu trị viêm mũi dị ứng phổ biến tại Việt Nam có thể kể tới: Flixonase (fluticasone), Budesonid,...

Thuốc co mạch, chống xung huyết, nghẹt mũi


  • Oxymetazolin là thuốc được sử dụng nhiều nhất trong nhóm này hiện nay. Một số biệt dược có thể kể tới như Otrivin, Otilin, Coldi B

Kháng sinh


  • Kháng sinh thường không được khuyến cáo trong điều trị viêm mũi dị ứng do nguyên nhân gây bệnh không phải vi khuẩn. Kháng sinh hữu ích trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, thường dùng khi có triệu chứng nước mũi chuyển màu xanh, vàng, họng đau rát, khản tiếng,...

Nước muối sinh lý


  • Nước muối sinh lý dạng nhỏ giọt hay dạng phun sương đóng vai trò làm sạch mũi họng và góp phần làm thông thoáng đường hô hấp.

Trên đây là một vài thông tin sơ bộ về viêm mũi dị ứng, góp phần trả lời câu hỏi "Bệnh viêm mũi dị ứng là gì". Bệnh viêm mũi dị ứng là căn bệnh rất khó chịu và dai dẳng. Người bệnh thường phải sống chung với bệnh trong thời gian dài. Tuy nhiên các liệu pháp y tế, dùng thuốc hiện nay giúp điều trị triệu chứng bệnh khá hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nâng cao thể lực và miễn dịch cũng góp phần đẩy lùi bệnh. 
  

No comments