Viêm thanh quản- nguyên nhân và cách điều trị
Viêm thanh quản là bệnh thường gặp ở những người do đặc điểm công việc phải nói to, nói nhiều thường xuyên. Viêm thanh quản có thể là cấp tính hoặc mãn tính và trong đa số trường hợp tình trạng này là tạm thời và không để lại hậu quả gì nghiêm trọng.
![]() |
Viêm thanh quản là bệnh viêm đường hô hấp phổ biến, thường gây khản tiếng |
Viêm thanh quản là gì?
- Bình thường, luồng không khí đi qua thanh quản làm rung 2 dây thanh âm và phát ra tiếng nói. Khi thanh quản bị viêm, luồng không khí đi qua thanh quản bị thay đổi đồng thời độ rung của dây thanh âm cũng thay đổi khiến giọng nói phát ra trở nên bất thường. Khàn tiếng hoặc mất tiếng là biểu hiện phổ biến của viêm thanh quản.
- Viêm thanh quản thường có triệu chứng biểu hiện không quá 2 tuần. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần (viêm thanh quản mãn tính) thì cần tìm hiểu thêm các nguyên nhân tiềm ẩn.
- Trong viêm thanh quản mãn tính, dây thanh âm bị căng cứng trong thời gian dài có thể tăng trưởng bất thường, mọc thêm bướu thịt hoặc các nốt.
Triệu chứng của bệnh viêm thanh quản
- Triệu chứng thường gặp của viêm thanh quản là khàn giọng, ho và đau khi nuốt
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Sổ mũi, khó thở
- Sốt
- Giọng nói nhỏ hoặc có thể mất tiếng
Nguyên nhân của bệnh viêm thanh quản
- Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm thanh quản là nhiễm trùng do vi rút. Viêm thanh quản có thể là biến chứng của bệnh cảm cúm thông thường.
- Nói to, nói nhiều quá mức cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm thanh quản. Viêm thanh quản là bệnh phổ biến ở một số nghề nghiệp có đặc trưng nói to, nói nhiều như giáo viên, ca sỹ, nhân viên bán hàng. Viêm thanh quản cũng có thể xảy ra sau một buổi cổ vũ cuồng nhiệt tại sân vận động hay nhà thi đấu.
- Ho quá mức
- Viêm thanh quản đôi khi có nguyên nhân do vi khuẩn hay vi nấm hoặc ký sinh trùng.
- Viêm thanh quản có thể là biến chứng của một số bệnh lý viêm đường hô hấp khác như: Bệnh viêm xoang mạn tính, viêm họng, viêm phế quản,...
- Thanh quản tiếp xúc với chất kích thích khi hít vào, ví dụ như khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất,...
- Bệnh trào ngược dạ dày, thực quản khiến acid chảy ngược lên gây tổn thương các vị trí của đường hô hấp trên.
Điều trị bệnh viêm thanh quản
Tự chăm sóc
- Viêm thanh quản cấp trong đa số trường hợp không cần phải dùng thuốc hay sử dụng biện pháp can thiệp nào. Viêm thanh quản có thể tự khỏi bằng cách giữ ấm, vệ sinh đường hô hấp và hạn chế nói. Nói to hay nói thì thầm cũng đều tạo áp lực lên thanh quản tương tự nhau, làm chậm quá trình hồi phục.
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá trong thời gian bị viêm
- Uống nhiều nước
Thuốc điều trị viêm thanh quản
- Kháng sinh trong đa số trường hợp viêm thanh quản là không cần thiết. Tuy nhiên trong trường hợp có dấu hiệu rõ ràng của viêm do vi khuẩn thì việc sử dụng thuốc kháng sinh là cần thiết.
- Thuốc chống viêm Corticoid (chống viêm steroid) có tác dụng điều trị triệu chứng viêm khá mạnh mẽ và hiệu quả. Tuy nhiên việc sử dụng corticoid thường phải đi kèm với việc sử dụng kháng sinh để chống bội nhiễm vi khuẩn. Việc sử dụng corticoid cũng cần có sự chỉ định của bác sỹ, sử dụng đúng nguyên tắc để tránh các tác dụng không mong muốn, mặc dù đối với viêm thanh quản, sử dụng corticoid thường không kéo dài và hiếm khi xảy ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng như hội chứng Cushing, viêm loét dạ dày, tá tràng, loãng xương,....
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viêm thanh quản, góp phần giúp bạn đọc có thêm cơ sở để trả lời câu hỏi viêm thanh quản là gì.
No comments