Breaking News

Bệnh Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson là một loại bệnh rối loạn chuyển động của cơ thể có tính chất mãn tính và tiến triển, nghĩa là càng ngày càng trầm trọng hơn. Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh Parkinson là run rẩy chân tay, vì vậy ở Việt Nam bệnh còn được gọi nôm na là bệnh run chân tay. Bệnh thường xảy ra ở người già, tỷ lệ bệnh nhân nam là áp đảo so với bệnh nhân nữ.

Parkinson là bệnh khá phổ biến ở người già
Parkinson là bệnh khá phổ biến ở người già

Nguyên nhân của bệnh Parkinson

  • Nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson hiện nay chưa thực sự sáng tỏ. Những nghiên cứu về bệnh cho thấy bệnh Parkinson liên quan đến sự hỏng hóc và chết đi của các tế bào thần kinh quan trọng trong não (nơ ron thần kinh). Parkinson chủ yếu ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong một khu vực của não bộ được gọi là substantia nigra. Trong số đó có các tế bào thần kinh sản xuất ra dopamin, chất dẫn truyền thần kinh giúp cho não bộ kiểm soát sự vận động và phối hợp. Hệ quả là lượng dopamin nội sinh giảm khiến cho người bệnh không điều khiển được động tác và sự chuyển động của cơ thể như bình thường.
  • Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên có một số yếu tố có thể góp phần gây ra căn bệnh này.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh Parkinson

Yếu tố di truyền

Có sự liên quan khá chắc chắn giữa yếu tố di truyền với bệnh Parkinson. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 20% người mắc bệnh Parkinson có cha, mẹ hoặc họ hàng gần (chú, bác, anh chị em ruột) cũng mắc bệnh Parkinson.

Yếu tố môi trường

Nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố môi trường có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh Parkinson. Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thuốc trừ sâu,...có thể liên quan đến bệnh Parkinson. Một số giả thuyết cho rằng yếu tố di truyền kết hợp với yếu tố môi trường là nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson.

Tuổi tác và giới tính

Bệnh Parkinson đa số gặp ở người cao tuổi. Tuổi tác được cho là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm nồng độ Dopamin nội sinh, từ đó dẫn tới các triệu chứng run rẩy chân tay, rối loạn vận động của bệnh Parkinson.
Nam giới dễ mắc bệnh Parkinson hơn nữ giới. Các kết quả thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân Parkinson là nam giới áp đảo so với nữ giới.

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh Parkinson
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh Parkinson

Triệu chứng của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson có một số triệu chứng tương đối điển hình. Những triệu chứng dưới đây cũng có thể được coi là căn cứ để chẩn đoán bệnh Parkinson.

Run rẩy

Run rẩy là triệu chứng dễ thấy nhất ở bệnh nhân Parkinson. Điều này có thể là sự run rẩy nhẹ hoặc mạnh của các ngón tay, bàn tay, cằm hoặc môi. Sự co giật hoặc run chân là dấu hiệu ban đầu của bệnh Parkinson.

Chữ viết tay nhỏ đi

Chữ viết tay đột ngột nhỏ đi so với chính bạn trong quá khứ, đồng thời các chữ cái sít lại gần nhau cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh Parkinson.

Giảm hoặc mất khứu giác

Khứu giác của bệnh nhân Parkinson thường kém đi nhiều so với bình thường. Nhiều người còn bị mất khứu giác, không nhận ra được mùi của thức ăn quen thuộc.

Hay bị giật mình trong giấc ngủ

Bệnh nhân Parkinson hay bị giật mình trong giấc ngủ. Trong giấc mơ họ có thể thấy mình đang rơi tự do, có thể bị xe đụng,...điều này khiến họ bị giật mình mà tỉnh giấc.

Khó khăn trong đi bộ hoặc di chuyển

Bệnh nhân Parkinson luôn gặp khó khăn trong việc di chuyển hay đi bộ. Sự vận động của người bệnh Parkinson bị mất đi sự uyển chuyển thông thường, thay vào đó là sự cứng kếu, mất tự nhiên. Cánh tay của người bệnh Parkinson cũng thường không xoay khi đi bộ. Nhiều người bệnh Parkinson cũng chia sẻ chân của họ có cảm giác như đang bị mắc kẹt dưới sàn nhà.

Giọng nói trầm và nhỏ

Giọng nói của bệnh nhân Parkinson thường trầm và nhỏ hơn bình thường, mặc dù họ không cố ý nói như vậy.

Biểu cảm gương mặt không linh hoạt, mắt ít chớp

Ở một số người, gương mặt luôn giữ vẻ nghiêm nghị, hoặc căng thẳng hay buồn bã mặc dù tâm trạng người đó đang không như vậy. Đôi mắt vô hồn và gần như không chớp mắt cũng là một dấu hiệu thường thấy ở người bệnh Parkinson.
Trên đây là một số triệu chứng thường thấy ở người bệnh Parkinson. Điều trị Parkinson hiện nay không có thuốc đặc trị, chủ yếu sử dụng các thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng hoặc làm chậm tiến triển bệnh.

Thuốc điều trị Parkinson

Levodopa

  • Levodopa được cho là thuốc đầu tay trong điều trị bệnh Parkinson. Levodopa sau khi uống có khả năng đi vào não và chuyển hóa thành dopamin.
  • Levodopa thông thường phát huy hiệu quả khá rõ rệt khi mới sử dụng, về sau hiệu quả của Levodopa trong điều trị Parkinson kém đi, đòi hỏi có sự điều chỉnh liều.

Chất chủ vận Dopamin

Một số thuốc nhóm này có thể kể tới là pramipexole và ropinirole. Các thuốc này không có tác dụng chuyển thành Dopamin nhưng có khả năng bắt chước tác động của dopamine trong tế bào thần kinh và phát huy tác dụng tương tự như dopamine từ đó cải thiện được tình trạng bệnh.

Thuốc ức chế MAO B

Những loại thuốc này gồm selegiline và rasagiline giúp ngăn ngừa sự phân hủy tự nhiên của Dopamine (bao gồm cả Dopamine nội sinh và dopamin hình thành từ Levodopa).

Trên đây là một số thuốc phổ biến nhất trong điều trị Parkinson. Trong điều trị Parkinson, liệu pháp vật lý trị liệu, thay đổi phong cách, lối sống cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, phẫu thuật, kích thích não sâu cũng có thể được áp dụng đối với bệnh nhân mắc bệnh Parkinson nặng, tuy nhiên độ rủi ro là cao.

Tóm lại, bệnh Parkinson là bệnh tương đối phổ biến ở người cao tuổi. Bệnh không gây nguy hiểm chết người tuy nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống và hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Nguyên nhân gây bệnh hiện nay chưa được làm sáng tỏ, thuốc đặc trị bệnh chưa có, chỉ có thuốc điều trị triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ. Vì vậy đề tài Parkinson trong tương lai vẫn còn là một miền đất nhiều bí ẩn chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu và khám phá .

No comments