Cách xử trí bỏng acid, bỏng do hóa chất
(Nguồn: Military Medicine) Bỏng hóa chất là tổn thương do những chất có khả năng làm hoại tử mô tế bào trong thời gian ngắn. Ở Mỹ, hàng năm có khoảng 60.000 người bị.
![]() |
Bỏng Acid là một trong những trường hợp phổ biến nhất trong bỏng do hóa chất |
1. TÁC NHÂN GÂY BỎNG HÓA CHẤT
- Nhóm Acid và các chất có tác dụng tương tự: acid vô cơ và acid hữu cơ. VD: acid sulfuric (H2SO4), acid chlohydric (HCl), acid nitric (HNO3), acid formic (HCOOH), acid trichloracetic (CCl3COOH)…
- Nhóm Base và các chất tương tự: NaOH, KOH, Ca(OH)2, NH4OH…
- Chất cháy quân sự: Napan, Phốt pho trắng (WP)…
- Các chất khác: KMnO4…
- Ở Việt Nam, tác nhân gây bỏng hóa chất hay gặp là vôi tôi nóng, sau đó là H2SO4.
2. HOÀN CẢNH BỊ BỎNG HÓA CHẤT
- Ở người lớn, bỏng hóa chất liên quan tới tai nạn lao động: Người tiếp xúc với hóa chất trong Lab, Phòng thí nghiệm Hóa học, Ngành Công nghiệp hóa chất, xây dựng và sử dụng không chuyên môn các hóa chất...
- Liên quan đến hành động tội ác hoặc tự sát. Khi bị bỏng thì hay bị ở các vùng thẩm mỹ: mắt, mũi, ngực, sinh dục. Hay gặp ở Phụ nữ với động cơ nhằm làm biến dạng (hủy hoại) hơn là giết hại.
- Trẻ em hay gặp bỏng hóa chất liên quan tai nạn sinh hoạt, ví dụ do vôi tôi nóng, do trẻ uống nhầm acid…
- Ở Việt Nam và ở Trung Quốc, Bỏng vôi tôi nóng do ngã xuống hố vôi đang tôi hoặc mới tôi chủ yếu xảy ra ở những vùng có núi đá vôi, có tập quán dùng vôi tôi để xây dựng. Khi đó trẻ em hay chơi đùa cạnh hố vôi đang tôi và ngã xuống, hoặc tôi vôi không có che chắn. Hố vôi sau khi tôi, người dân hay phủ cát, phủ lá lên, một thời gian sau mới dùng, nhưng nhiệt dưới hố vôi tôi đó thời gian đầu vẫn nóng và gây bỏng.
3. CÁCH SƠ CẤP CỨU NGAY SAU KHI BỊ BỎNG HÓA CHẤT
Bước 1
Nhanh chóng đưa nạn nhân khỏi tiếp xúc với tác nhân bỏng. Nếu hóa chất dính vào quần áo, giầy dép phải nhanh chóng cởi bỏ. Nếu dính nhiều phải đeo bao tay, dùng kéo cắt từng mảnh quần áo, không lột bất ngờ dễ làm tróc da lớn. Đánh giá nhanh chóng và duy trì các chức năng sống của nạn nhân (ưu tiên). Bước này rất khó khăn và đòi hỏi phải thật nhanh chóng, chính xác trong trường hợp trẻ nhỏ bị ngã xuống hố vôi tôi.
Bước 2
- Ngâm rửa vùng bị bỏng bằng nước sạch càng sớm càng tốt. Tốt nhất trong 30 phút từ sau khi bị bỏng. Giữ ấm vùng khác của cơ thể không bị bỏng để phòng nhiễm lạnh. Không được dùng nước ấm rửa vì sẽ làm tăng khả năng ngấm của hóa chất. Thời gian tưới rửa trong bỏng hóa chất kéo dài hơn so với bỏng nhiệt. Ví dụ bỏng do NH3 thời gian tưới rửa tới 24 giờ.
- Nếu bị acid bắn vào mắt nạn nhân sẽ đau đớn, hoảng sợ tột độ, la hét. Việc đầu tiên phải trấn tĩnh, không cho dụi mắt; nhanh chóng đưa mắt lại gần vòi nước để xả rửa. Cúi đầu dưới vòi nước, cố gắng mở mắt ra khi nước đang chảy. Nếu có kính áp tròng thì phải tháo ra (trong trường hợp nó không tự tuột ra trong lúc rửa). Có thể kết hợp với vòi hoa sen phun nước lên trán cho nước chảy tràn qua phía bên mắt bị bỏng. Hướng vòi phun vào phần giữa hai mắt nếu cả hai cùng bị dính hóa chất. Phải rửa (hoặc phun rửa) thật lâu (ít nhất 20 phút), nhiều lần (mắt trũng, acid dễ đọng lại nên rất khó rửa sạch ngay).
Bước 3
- Trung hòa tác nhân gây bỏng bằng các chất dễ tìm kiếm.
- Nếu bị bỏng do chất kiềm, vôi tôi: Nước vắt chanh, dấm ăn, đường ăn, đường mía, mật ong…
- Nếu bị bỏng do acid: Nước xà phòng 5%, nước vôi trong để rửa, đắp. Có thể dùng xà phòng, kem đánh răng thoa lên vết bỏng.
Bước 4
Che phủ tạm thời vết bỏng. Có thể dùng các dung dịch trunh hòa nhẹ tiếp tục đắp, tưới rửa lên vết bỏng. Sau đó băng ép nhẹ lên vết bỏng.
Bước 5
Bù nước, điện giải, đơn giản nhất bằng đường uống.
Bước 6
Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Nếu thời gian vận chuyển kéo dài, tiếp tục tưới rửa trên đường đi.
4. MỘT SỐ CHÚ Ý VỀ VẤN ĐỀ BỎNG HÓA CHẤT
- Dùng acid tạt vào người khác là hành vi cấu thành hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật Hình sự. Ngay sau khi thấy nạn nhân có dấu hiệu bị tạt acid bất ngờ ngoài đường, chúng ta phải nhanh chóng huy động nước tại chỗ để sơ cứu cho nạn nhân.
- Nếu bị tạt acid đậm đặc vào vùng đầu, nó sẽ ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ, tóc và phần da đầu này không thể tái tạo. Khi tiếp xúc với các phần mô sụn như tai và mũi, acid hút nước của sụn, ngưng kết lõi protein bên trong do đó phá hủy sụn hoàn toàn. Vì vậy nếu acid tiếp xúc vào các bộ phận này thì nạn nhân sẽ mất tai và mất mũi về sau. Nếu acid tiếp xúc với môi, nạn nhân có thể mất môi hoàn toàn.
- Không được vận chuyển nạn nhân đi ngay mà phải sơ cứu tại chỗ.
No comments