Herpes môi (mụn rộp ở môi) chữa thế nào?
Herpes môi hay còn gọi là bệnh mụn rộp ở môi là bệnh rất phổ biến ở cả nam và nữ giới. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là các mụn nước hình thành trên môi, quanh miệng gây viêm và đau đớn cho người bệnh. Bệnh không gây biến chứng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến sức khỏe và tính mạng người bệnh nhưng có tính chất tái đi tái lại nhiều lần rất khó chịu. Blog Y khoa xin chia sẻ với các bạn về một số thông tin về căn bệnh này và cách chữa.
![]() |
Herpes môi (mụn rộp ở môi) có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc |
1. Herpes môi (mụn rộp ở môi) là bệnh gì?
Herpes môi hay còn gọi là mụn rộp ở môi là bệnh lý nhiễm trùng ở môi, vùng xung quanh miệng gây ra bởi virus Herpes simplex. Nó hình thành các mụn nước, các vết thương nhỏ đau đớn thường được gọi là vết loét lạnh hoặc vết loét sốt.
Herpes phổ biến nhất xuất hiện trên môi. Thỉnh thoảng chúng xảy ra vào lỗ mũi, cằm hoặc có thể xảy ra trên lợi, niêm mạc miệng.
Bệnh mụn rộp ở môi thường lây qua đường nước bọt, ví dụ hôn người có virus Herpes. Bên cạnh đó, việc dùng chung đồ ăn, khăn mặt cũng có thể lây bệnh. Gần đây trào lưu xăm môi, xăm mắt phổ biến cũng là một nguyên nhân gây lây nhiễm Herpes môi.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị Herpes môi triệt để. Người bị nhiễm virus Herpes phải chung sống với nó suốt phần đời còn lại. Chính vì vậy bệnh thường có tính chất tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh thường bùng phát trong những thời điểm sức đề kháng ở người giảm sút hoặc trong thời gian căng thẳng, stress.
2. Thuốc chữa Herpes môi đợt cấp
Trong đợt bùng phát (đợt cấp) của bệnh Herpes môi, việc dùng thuốc nhằm giảm triệu chứng đồng thời rút ngắn thời gian bị bệnh. Thông thường người ta phối hợp một số loại thuốc sau đây:
2.1. Thuốc kháng virus gây herpes (mụn rộp) môi
Thuốc phổ biến nhất là Acyclovir. Cũng như bệnh thủy đậu, liều dùng thuốc kháng virus Acyclovir đối với người lớn là 200 mg mỗi lần x 3-4 lần/ ngày.
2.2. Thuốc bôi điều trị tại chỗ
Thuốc bôi tại chỗ bị mụn rộp thường dùng Acyclovir dạng kem (cream) và các thuốc chống bội nhiễm như Povidon Iod hay dung dịch Milan. Hỗ nước cũng thường được sử dụng.
2.3. Thuốc giảm đau
Herpes môi gây ra các mụn rộp ở môi là vị trí tập trung nhiều tế bào thần kinh cảm giác vì vậy thường gây đau, kiểu đau không dữ dội nhưng dai dẳng khó chịu. (Ông nào đang ăn rớt nước mắm vào chỗ mụn rộp thì thốn thôi rồi!). Để giảm đau người ta thường dùng Paracetamol hoặc một số thuốc giảm đau chống viêm khác như Ibuprofen hay Diclofenac.
3. Thuốc ngăn ngừa tái phát
Trường hợp bệnh tái phát nhiều lần (5-6 lần trở lên mỗi năm) thì người bệnh cần uống thuốc ngăn ngừa tái phát.
Thuốc ngăn ngừa tái phát là thuốc kháng virus, thường vẫn là Acyclovir nhưng dùng với liều thấp hơn đợt cấp, tuy nhiên phải dùng kéo dài.
Liều thường dùng trong trường hợp này đối với người lớn là 200 mg mỗi ngày x 6- 18 tháng liên tục. Khi tần xuất tái phát của bệnh Herpes môi giảm xuống khoảng 2 năm mội lần thì dừng lại.
Bệnh Herpes môi (mụn rộp ở môi) là bệnh không chữa khỏi hoàn toàn được ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên việc dùng thuốc đúng cách có thể làm giảm nhẹ triệu chứng bệnh đi rất nhiều. Đồng thời dùng thuốc đúng cũng có thể làm giảm số lần tái phát bệnh.
No comments