Nguyên nhân và cách điều trị ho kéo dài
Ho kéo dài là một triệu chứng rất phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra nhiều hơn vào mùa đông. Ho kéo dài có nhiều nguyên nhân. Việc xác định rõ nguyên nhân gây ho kéo dài mang yếu tố quyết định tới hiệu quả điều trị.
![]() |
Ho kéo dài cần xác định đúng nguyên nhân để điều trị hiệu quả |
1. Ho kéo dài là gì?
Ho kéo dài được xác định khi người bệnh có triệu chứng ho trong khoảng thời gian trên 3 tuần trở lên. Thời gian ho từ 3- 8 tuần được coi là ho bán cấp. Ho kéo dài trên 8 tuần được xác định là ho mãn tính.
2. Nguyên nhân gây ho kéo dài
Có nhiều nguyên nhân gây ho kéo dài. Các nguyên nhân chủ yếu có thể kể tới như sau:
- Viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Viêm mũi dị ứng, viêm xoang là bệnh lý mãn tính, dai dẳng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng ho kéo dài ở người.
- Hen phế quản: Sau các bệnh lý viêm mũi xoang thì hen phế quản là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây ra chứng ho kéo dài.
- Trào ngược dạ dày, thực quản: Không phải là một bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp nhưng thật bất ngờ khi bệnh trào ngược dạ dày, thực quản lại là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ho kéo dài. Trong thực tế điều trị, nhiều bác sỹ thiếu kinh nghiệm đã bỏ qua nguyên nhân này khi chẩn đoán dẫn tới thiếu hiệu quả trong điều trị.
- Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm ức chế men chuyển: Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng phụ là gây ho. Tất nhiên không phải ai dùng thuốc này cũng bị ho thế nhưng có một tỷ lệ bệnh nhân bị ho khi sử dụng nhóm thuốc này. Cũng như các thuốc huyết áp khác, thuốc ức chế men chuyển phải được duy trì hàng ngày, vì thế mà ở những bệnh nhân nhạy cảm có thể xuất hiện ho kéo dài. Các thuốc ức chế men chuyển phổ biến có Captopril, Enalapril, Perindopril (Coversyl).
- Các nguyên nhân khác: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, ung thư phổi.
3. Điều trị ho kéo dài
Điều trị triệu chứng
Để điều trị triệu chứng ho, hiện nay có các nhóm thuốc giảm ho phổ biến là: Thuốc giảm ho ngoại biên, thuốc giảm ho trung ương, thuốc kháng histamin.
- Thuốc giảm ho ngoại biên: Đây là các thuốc có tác dụng làm dịu niêm mạc đường hô hấp, sát khuẩn, làm giảm tính nhạy cảm của đường hô hấp với các yếu tố kích thích. Các thuốc trong nhóm này có thể kể tới một số loại tinh dầu (tràm, bạch đàn,...), siro chanh- mật ong,...
- Thuốc giảm ho trung ương: Đây là nhóm thuốc có khả năng giảm ho mạnh do cơ chế ức chế trung tâm ho ở thần kinh trung ương. Các thuốc phổ biến là Codein và Dextromethophan.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin có tác dụng chống dị ứng, an thần nhẹ và giảm ho. Các thuốc trong nhóm này rất phong phú, một số thuốc hay dùng là chlopheniramin maleat, loratadin, Alilmemazin (theralen), fexofenadin (telfast).
Trong nhiều trường hợp, điều trị triệu chứng không hiệu quả khi mà dứt thuốc cái là bệnh nhân lại ho trở lại. Với các bác sỹ kinh nghiệm, việc xác định nguyên nhân để điều trị nguyên nhân là yếu tố quyết định.
Điều trị nguyên nhân
- Viêm mũi, xoang: Chẩn đoán xác định và sử dụng phác đồ điều trị đối với bệnh cụ thể (điều trị viêm xoang, điều trị viêm mũi dị ứng)
- Viêm phế quản: Sử dụng phác đồ điều trị viêm phế quản
- Trào ngược dạ dày, thực quản: Ngoài thuốc điều trị triệu chứng ho cần phối hợp thêm thuốc ức chế tiết acid dịch vị và tăng nhu động đường tiêu hóa. Hai thuốc phổ biến cần có trong đơn thuốc là ức chế bơm proron (Omeprazol, esomeprazol,...) và Domperidon (Motilium-M).
- Trường hợp bệnh nhân có polyp mũi: Phẫu thuật cắt bỏ polyp
- Trường hợp xác định bệnh nhân ho kéo dài do dùng thuốc hạ huyết áp ức chế men chuyển: Tốt nhất là thay đổi thuốc huyết áp loại khác. Có nhiều loại để cân nhắc như nhóm thuốc chẹn kênh calci, thuốc ức chế thụ thể, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế giao cảm.
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân và cách điều trị ho kéo dài. Trong thực tế, nhiều người bệnh bị ho kéo dài mặc dù đã sử dụng thuốc ho kết hợp kháng sinh dài ngày mà không khỏi. Vì thế việc đến các cơ sở y tế để khám và chẩn đoán nguyên nhân là hết sức cần thiết. Việc xác định nguyên nhân đúng mới điều trị hiệu quả được.
No comments