Nguyên nhân gây huyết áp thấp
Huyết áp thấp (hạ huyết áp) là tình trạng áp lực máu lên thành mạch quá thấp gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu điển hình. Khi áp lực tưới máu giảm, ô xy và chất dinh dưỡng không đủ cho các cơ quan quan trọng như não, tim và thận. Các cơ quan không hoạt động như bình thường được có thể dẫn tới tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn.
![]() |
Huyết áp thấp có thể do nhiều nguyên nhân |
Huyết áp ở người bình thường được xác định ở mức 120/ 80 mmHg. Cao hơn mức này được coi là tăng huyết áp. Đối với huyết áp thấp, việc xác định lại thường không dựa trên chỉ số huyết áp mà dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Ví dụ, một số người có huyết áp 90/ 50 mà không có triệu chứng nào bất thường và do đó không phải huyết áp thấp.
Các triệu chứng phổ biến nhất của huyết áp thấp bao gồm chóng mặt, lâng lâng, cảm giác tối sầm và có thể ngất xỉu. Huyết áp thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Việc xác định nguyên nhân là quan trọng để có phương án điều trị. Một số nguyên nhân chủ yếu gây huyết áp thấp có thể kể tới sau đây:
Huyết áp thấp do mất nước
Sự mất nước thường xảy ra ở những bệnh nhân nôn mửa kéo dài, tiêu chảy hoặc tập thể dục quá mức. Điều này làm giảm thể tích máu dẫn tới giảm áp lực lên thành mạch gây hạ huyết áp.
Các nguyên nhân khác dẫn tới mất nước là sốt, đổ mồ hôi, mất sức do nóng. Những người mất nước nhẹ có thể chỉ cảm thấy khát và khô miệng. Tình trạng mất nước từ trung bình đến nặng có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng (lâng lâng, chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng). Sự mất nước kéo dài và nghiêm trọng có thể dẫn tới sốc, suy thận, nhiễm toan acid và thậm chí tử vong.
Huyết áp thấp do viêm nhiễm cơ quan tiêu hóa
Viêm nhiễm cơ quan tiêu hóa nặng như viêm tụy cấp có thể gây huyết áp thấp. Trong viêm tụy cấp, dịch tiết tập trung đổ vào các mạch máu tới các mô viêm xung quanh tuyến tụy. Điều này làm giảm thể tích máu gây hạ huyết áp.
Huyết áp thấp do yếu cơ tim
Cơ tim yếu có thể làm tim không hoạt động đủ để bơm máu như mức bình thường dẫn tới huyết áp thấp. Một nguyên nhân phổ biến gây yếu cơ tim là sự chết đi của phần lớn cơ tim do cơn đau tim, một lần duy nhất hoặc lặp đi lặp lại.
Nguyên nhân khác làm suy yếu khả năng co bóp của tim bao gồm nhiễm trùng cơ tim (viêm cơ tim), các bệnh về tim như hẹp động mạch chủ.
Huyết áp thấp do viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim là một chứng viêm vùng màng ngoài tim (các túi, mô xung quanh tim). Viêm màng ngoài tim có thể làm ứ dịch bên trong màng ngoài tim gây áp lực hạn chế sự co bóp của tim.
Huyết áp thấp do thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là một tình trạng trong đó xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu). Cục máu đông vỡ ra, đến tim và cuối cùng tới phổi. Một số cục máu đông lớn có thể chặn dòng máu vào tâm thất trái từ phổi và làm giảm lượng máu trở về tim để bơm. Thuyên tắc phổi là một nguyên nhân gây hạ huyết áp và là một tai biến gây tử vong.
Huyết áp thấp do nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm làm giảm lượng máu bơm ra từ tim. Nhịp tim chậm được xác định là dưới 60 nhịp/ phút. Trong thực tế, nhiều vận động viên có nhịp tim chậm nhưng lưu lượng tuần hoàn được bù đắp bởi lực co bóp cơ tim mạnh mẽ. Tuy nhiên ở nhiều bệnh nhân, nhịp tim chậm dẫn tới huyết áp thấp, chóng mặt thậm chí ngất xỉu.
Nhịp tim nhanh đột ngột cũng có thể gây huyết áp thấp
Các ví dụ phổ biến nhất của nhịp tim nhanh gây ra huyết áp thấp là rung nhĩ. Rung nhĩ là một rối loạn của tim đặc trưng bởi sự phóng điện nhanh bất thường từ cơ tim khiến tâm thất phải co lại một cách bất thường và nhanh chóng. Các tâm thất co bóp nhanh khiến không đủ thời gian để máu bơm đầy trước mỗi cơn giật. Điều này khiến lượng máu bơm ra lại giảm mặc dù nhịp tim nhanh hơn. Như vậy, nhịp tim nhanh cũng có thể là nguyên nhân gây huyết áp thấp.
Huyết áp thấp do thuốc
Digoxin, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị trầm cảm và các thuốc điều trị cao huyết áp (thuốc chẹn kênh calci, thuốc chẹn bê ta, thuốc ức chế men chuyển,...) có thể gây hạ huyết áp.
Ngoài các thuốc kể trên, rượu và ma túy cũng là một nguyên nhân có thể gây huyết áp thấp.
Trên đây là một số nguyên nhân chính gây huyết áp thấp. Huyết áp thấp nếu ở mức độ nhẹ thì không cần điều trị tuy nhiên ở mức độ nặng thì cần phải điều trị. Việc điều trị huyết áp thấp thường phải có sự kết hợp giữa việc dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống khoa học, lành mạnh. Bên cạnh đó, việc xác định nguyên nhân đóng vai trò hết sức quan trọng để có biện pháp điều trị đúng.(Nguồn: medicinenet.com)
No comments